Tài sản gắn liền với đất phải đăng ký gồm những gì?

27/12/2023 | 09:33 14 lượt xem Tài Đăng

Theo quy định tại Bộ luật Dân sự hiện hành, tài sản gắn liền với đất được xếp vào loại tài sản là bất động sản. Theo đó, tài sản gắn liền với đất thường là những loại tài sản không thể di chuyển và tách rời với đất. Ví dụ như: Nhà ở, công trình xây dựng, cây trồng lâu năm, cơ sở hạ tầng khác, … Vậy, những loại tài sản gắn liền với đất nào phải đăng ký quyền sở hữu với cơ quan có thẩm quyền? Những loại tài sản gắn liền với đất được cấp sổ đỏ? … là vấn đề mà khá nhiều dân băn khoăn. Để làm rõ vấn đề này, mời các bạn cùng tìm hiểu bài viết “Tài sản gắn liền với đất phải đăng ký” của Luật đất đai dưới đây nhé. 

Đăng ký tài sản gắn liền với đất là gì?

Tài sản gắn liền với đất là những loại tài sản được tạo dựng, xây dựng, lắp đặt trên thửa đất mà khó có thể tách rời hoặc việc tách rời sẽ làm mất đi công năng của những loại tài sản này. Vì vậy, song song với việc quản lý đất đai, Nhà nước cũng đặt ra các cơ chế quản lý tài sản trên đất thông qua việc đăng ký tài sản gắn liền với đất. 

Tại Khoản 15 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định như sau: “Đăng ký đất đai, nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất là việc kê khai và ghi nhận tình trạng pháp lý về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và quyền quản lý đất đối với một thửa đất vào hồ sơ địa chính.”

Theo đó, đăng ký tài sản gắn liền với đất là việc người sở hữu tài sản gắn liền với đất kê khai và ghi nhận tình trạng pháp lý về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và quyền quản lý đất đối với một thửa đất vào hồ sơ địa chính.

Tài sản gắn liền với đất phải đăng ký

Tài sản gắn liền với đất bao gồm rất nhiều loại tài sản như: nhà ở, công trình sinh hoạt, cây cối, công trình nghệ thuật, … Tuy nhiên, pháp luật Đất đai chỉ quy định một số loại tài sản gắn liền với đất phải đăng ký quyền sở hữu mà không phải tất cả loại tài sản gắn liền với đất. Điều này giúp giảm bớt các thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả của công tác quản lý đất đai. 

Điều 104 Luật Đất đai 2013 quy định về việc cấp Giấy chứng nhận đối với tài sản gắn liền với đất như sau: 

“1. Tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất bao gồm nhà ở, công trình xây dựng khác, rừng sản xuất là rừng trồng và cây lâu năm có tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

2. Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với tài sản gắn liền với đất thực hiện theo quy định của Chính phủ.”

Như vậy, hiện nay, có 04 loại tài sản gắn liền với đất phải đăng ký quyền sở hữu bao gồm:

  • Nhà ở;
  • Công trình xây dựng khác;
  • Rừng sản xuất là rừng trồng;
  • Cây lâu năm

Tuy nhiên, để được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với tài sản trên đất, những tài sản này phải có tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

Tài sản gắn liền với đất phải đăng ký

Hình thức đăng ký tài sản gắn liền với đất

Hiện nay, Luật Đất đai 2013 quy định có hai hình thức đăng ký tài sản gắn liền với đất, bao gồm đăng ký lần đầu và đăng ký biến động. Trong đó, đăng ký lần đầu được hiểu là việc đăng ký quyền sở hữu lần đầu tiên đối với tài sản trên đất; đăng ký biến động là việc đăng ký khi tài sản trên đất có sự biến động. Cụ thể được quy định tại Điều 95 Luật đất đai như sau:  

– Đăng ký tài sản gắn liền với đất lần đầu được thực hiện đối với nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất chưa đăng ký.

– Đăng ký biến động được thực hiện đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận hoặc đã đăng ký mà có thay đổi thuộc một trong những trường hợp sau đây:

  • Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;
  • Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được phép đổi tên;
  • Có thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký;
  • Chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của vợ hoặc của chồng thành quyền sử dụng đất chung, quyền sở hữu tài sản chung của vợ và chồng;
  • Chia tách quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của tổ chức hoặc của hộ gia đình hoặc của vợ và chồng hoặc của nhóm người sử dụng đất chung, nhóm chủ sở hữu tài sản chung gắn liền với đất;
  • Thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền công nhận; thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ; quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai, quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành; văn bản công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật. 

Cơ quan có thẩm quyền đăng ký tài sản gắn liền với đất

Để xác lập quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản gắn liền đất thì người sở hữu tài sản đó phải thực hiện thủ tục đăng ký tài sản trên đất tại cơ quan có thẩm quyền về quản lý đất đai. Chỉ khi đó, thông tin về tài sản trên đất và người sở hữu tài sản trên đất mới được ghi nhận vào sổ địa chính. Tại Điều 5 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Khoản 4 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP) quy định như sau: 

“a) Văn phòng đăng ký đất đai là đơn vị sự nghiệp công trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập hoặc tổ chức lại trên cơ sở hợp nhất Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường và các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường hiện có ở địa phương; có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu riêng và được mở tài khoản để hoạt động theo quy định của pháp luật.

Văn phòng đăng ký đất đai có chức năng thực hiện đăng ký đất đai và tài sản gắn liền với đất; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với trường hợp được ủy quyền theo quy định; xây dựng, quản lý, cập nhật, đo đạc, chỉnh lý thống nhất hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai; thống kê, kiểm kê đất đai; cung cấp thông tin đất đai theo quy định cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu và thực hiện các dịch vụ khác trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ phù hợp với năng lực theo quy định của pháp luật;

b) Văn phòng đăng ký đất đai có chi nhánh tại các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai được thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Văn phòng đăng ký đất đai theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh […]”

Đồng thời, Khoản 2 Điều 60 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Khoản 19 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP) quy định rằng: 

“[…] Trường hợp hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có nhu cầu nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả. Trường hợp đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất; cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp xã phải chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai […]”

Như vậy, khi có nhu cầu đăng ký tài sản gắn liền với đất, người dân có thể nộp hồ sơ tại:

  • Văn phòng đăng ký đất đai/ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai; hoặc
  • Ủy ban nhân dân cấp xã. 

Mời bạn xem thêm: 

Luật đất đai đã cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến vấn đề Tài sản gắn liền với đất phải đăng ký. Nếu còn vướng mắc, hãy nhấc máy lên và gọi cho chúng tôi qua số hotline 0833102102 để được đội ngũ Luật sư, luật gia giàu kinh nghiệm tư vấn, hỗ trợ, đưa ra giải đáp cho quý khách hàng.

Câu hỏi thường gặp: 

Không đăng ký đất đai thì bị xử lý như thế nào?

Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, hành vi không đăng ký đất đai có thể bị xử phạt hành chính đến 10 triệu đồng tùy theo từng trường hợp cụ thể.

Khi mua bán tài sản trên đất (phải đăng ký) thì có phải đăng ký biến động không?

Căn cứ Khoản 6, Khoản 4 Điều 95 Luật Đất đai 2013, trong trường hợp có sự thay đổi về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thì người sử dụng đất, người sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện thủ tục đăng ký biến động trong thời hạn không quá 30 ngày.

5/5 - (1 vote)