Mất sổ hồng có làm lại được không?

03/01/2024 | 09:15 27 lượt xem Tài Đăng

Chào Luật sư, tôi có câu hỏi như sau, mong được luật sư hỗ trợ: Năm 2005, bố mẹ tôi có mua một căn nhà và đã được cấp sổ hồng. Hiện nay, bố mẹ tôi đã già muốn làm di chúc để lại căn nhà này cho tôi. Tuy nhiên, khi đi công chứng di chúc thì văn phòng công chứng nói rằng không có sổ hồng nên không công chứng được mà sổ hồng bố mẹ tôi đã để thất lạc từ mấy năm trước. Vậy, tôi xin hỏi là: Nếu mất sổ hồng có được làm lại không? Tôi chân thành cảm ơn!

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi cho Luật đất đai. Đối với vấn đề “Mất sổ hồng có làm lại được không?”, Luật đất đai tư vấn như sau: 

Sổ hồng là gì?

Sổ hồng cách gọi phổ biến của đại đa số người dân nhằm chỉ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất vào thời điểm trước ngày 10/12/2009 (thời điểm Nghị định 88/2009/NĐ-CP có hiệu lực). Hiện nay, người dân vẫn sử dụng thuật ngữ Sổ hồng này nhằm phân biệt giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở (có bìa màu hồng) và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (có bìa màu đỏ).

Theo quy định pháp luật hiện hành, sổ hồng, sổ đỏ hiện nay được ban hành theo mẫu thống nhất do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành được gọi chung là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Giá trị pháp lý của sổ hồng được ghi nhận tại Khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013 như sau: 

“16. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.”

Mất sổ hồng có làm lại được không?

Về cơ bản, sổ hồng là một loại giấy tờ mà cơ quan có thẩm quyền cấp cho người sử dụng đất, người sở hữu nhà ở và tài sản trên đất để công nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu của họ là hợp pháp. Tuy nhiên, trong quá trình bảo quản giấy tờ nói chung và sổ hồng nói riêng, khó tránh khỏi việc thất lạc, mất sổ hồng vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau. Trong khi đó, một trong những quyền cơ bản của người sử dụng đất, người sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất là được cấp sổ hồng (Giấy chứng nhận). Do đó, trong trường hợp mất sổ hồng, người dân vẫn có thể được làm lại. 

Trình tự thủ tục đề nghị cấp lại sổ hồng do bị mất được quy định tại Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ-CP như sau: 

“1. Hộ gia đình và cá nhân, cộng đồng dân cư phải khai báo với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất về việc bị mất Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, trừ trường hợp mất giấy do thiên tai, hỏa hoạn.

Tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải đăng tin mất Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương.

2. Sau 30 ngày, kể từ ngày niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã đối với trường hợp của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc kể từ ngày đăng tin lần đầu trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương đối với trường hợp của tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người bị mất Giấy chứng nhận nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận.

3. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ; trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất đối với trường hợp chưa có bản đồ địa chính và chưa trích đo địa chính thửa đất; lập hồ sơ trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 37 của Nghị định này ký quyết định hủy Giấy chứng nhận bị mất, đồng thời ký cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đổi với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.”

Mất sổ hồng có làm lại được không?

Hồ sơ cấp lại sổ hồng do bị mất

Như trên đã phân tích, sau thời hạn 30 ngày, kể từ ngày UBND niêm yết thông báo hoặc đăng tin trên phương tiện thông tin đại chúng về việc mất sổ hồng (trừ trường hợp mất sổ hồng do thiên tai, hỏa hoạn) thì người dân có yêu cầu cấp lại sổ hồng do bị mất phải nộp một bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận tới Văn phòng đăng ký đất đai để được giải quyết. 

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, hồ sơ đề nghị cấp lại sổ hồng do bị mất bao gồm những giấy tờ, tài liệu như sau: 

  • Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận theo Mẫu số 10/ĐK;
  • Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc đã niêm yết thông báo mất giấy trong thời gian 15 ngày đối với hộ gia đình và cá nhân;
  • Giấy tờ chứng minh đã đăng tin 03 lần trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương về việc mất Giấy chứng nhận đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, cá nhân nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư;
  • Trường hợp mất Giấy chứng nhận do thiên tai, hỏa hoạn phải có giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc thiên tai, hỏa hoạn đó.

Những trường hợp không được cấp sổ hồng?

Sổ hồng có giá trị pháp lý quan trọng trong việc chứng minh một hộ gia đình, cá nhân, tổ chức có quyền sử dụng đất hợp pháp, quyền sử sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất hợp pháp đối với một thửa đất, nhà ở và tài sản gắn liền với thửa đất và nhà ở đó. Vì vậy, những người không được công nhận quyền sử dụng đất, quyền sử sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất hợp pháp sẽ không được cấp sổ hồng. Ngoài ra, trong một số trường hợp khác để đảm bảo công tác quản lý đất đai, người sử dụng đất cũng không được cấp sổ hồng. 

Tại Điều 19 Nghị định 43/2014/NĐ-CP liệt kê các trường hợp không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng) bao gồm: 

“1. Tổ chức, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất để quản lý thuộc các trường hợp quy định tại Điều 8 của Luật Đất đai.

2. Người đang quản lý, sử dụng đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.

3. Người thuê, thuê lại đất của người sử dụng đất, trừ trường hợp thuê, thuê lại đất của nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

4. Người nhận khoán đất trong các nông trường, lâm trường, doanh nghiệp nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, ban quản lý rừng đặc dụng.

5. Người đang sử dụng đất không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

6. Người sử dụng đất có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng đã có thông báo hoặc quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

7. Tổ chức, Ủy ban nhân dân cấp xã được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất để sử dụng vào mục đích xây dựng công trình công cộng gồm đường giao thông, công trình dẫn nước, dẫn xăng, dầu, khí; đường dây truyền tải điện, truyền dẫn thông tin; khu vui chơi giải trí ngoài trời; nghĩa trang, nghĩa địa không nhằm mục đích kinh doanh.”

Mời bạn xem thêm: 

Thông tin liên hệ: 

Vấn đề Mất sổ hồng có làm lại được không? đã được Luật đất đai giải đáp thắc mắc ở bên trên. Với đội ngũ luật sư, chuyên viên, chuyên gia dày dặn kinh nghiệm, chúng tôi sẽ giúp quý khách giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm chi phí và ít đi lại. Vì vậy, nếu Quý khách hàng có vướng mắc về bài viết hoặc những vấn đề pháp lý liên quan, hay liên hệ với Luật đất đai để được hỗ trợ.

Câu hỏi thường gặp: 

Đất có quy hoạch có được cấp sổ hồng, sổ đỏ không?

Theo quy định tại khoản 7 Điều 49 Luật Đất đai 2013 quy định về việc sử dụng đất đối với đất có quy hoạch như sau: 
“7. Trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm; nếu người sử dụng đất có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật”
Như vậy, đối với đất có quy hoạch, pháp luật không hạn chế quyền được cấp Giấy chứng nhận của người sử dụng đất. Do đó, trong trường hợp này, người sử dụng đất vẫn được cấp sổ hồng, sổ đỏ bình thường, trừ trường hợp đã có thông báo, quyết định thu hồi đất.

Mất sổ hồng có được mua bán đất không?

Theo quy định tại Điều 188 Luật Đất đai 2013 thì có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất là một trong những điều kiện cơ bản để người sử dụng đất thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất. 
Do đó, nếu trong trường hợp bị mất Giấy chứng nhận (sổ đỏ, sổ hồng) thì người sử dụng đất không thể thực hiện các giao dịch về đất theo quy định. 

5/5 - (1 vote)