Thêm tên con vào sổ đỏ như thế nào?

17/10/2023 | 09:59 265 lượt xem Tài Đăng

Câu hỏi: Chào luật sư, hai vợ chồng tôi hiện nay có 3 mảnh đất và đều đứng tên cả 2 vợ chồng, năm nay con gái tôi đủ 18 tuổi nên vợ chồng tôi đang tính là muốn thêm tên con vào trong sổ đỏ của những mảnh đất này. Luật sư cho tôi hỏi là chúng tôi có thể “Thêm tên con vào sổ đỏ” được hay không ạ?. Mong luật sư giải đáp.

Hiện nay có rất nhiều người đang có ý định muốn thêm tên con vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi các con đã đủ tuổi trưởng thành tuy nhiên họ lại chưa nắm rõ được các quy định về vấn đề này ra sao. Sau đây mời các bạn hãy cùng Luật đất đai tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết dưới đây của chúng tôi nhé.

Thêm tên con vào sổ đỏ được không?

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì Luật Đất đai cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành không có bất kỳ quy định hay thủ tục nào về việc thêm tên con vào sổ đỏ tức là thêm tên chủ sở hữu vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vậy nên đây là hành vi không được phép thực hiện.

Điều này được thể hiện tại quy định ghi thông tin người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất trên Giấy chứng nhận như sau:

Khoản 1 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT quy định cách ghi thông tin người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất khi cấp Giấy chứng nhận cho các đối tượng sau:

– Cá nhân trong nước.

– Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

– Hộ gia đình sử dụng đất (không ghi tên thành viên trong gia đình, chỉ ghi tên chủ hộ nếu chủ hộ là người sử dụng đất).

– Vợ chồng khi có quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là tài sản chung.

– Tổ chức trong nước.

– Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao.

– Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam.

– Cơ sở tôn giáo.

– Cộng đồng dân cư.

Như vậy, khi cha mẹ muốn con có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thì không được bổ sung tên con vào Giấy chứng nhận.

Khi cha mẹ là người sử dụng đất thì có quyền chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế một phần hoặc toàn bộ quyền sử dụng đất của mình cho con.

Thủ tục cha mẹ tặng cho đất cho con

Tặng cho quyền sử dụng đất giữa cha mẹ con với nhau là rất phổ biến, tuy nhiên không phải ai cũng nắm được các quy định liên quan đến vấn đề này và khi thực hiện thủ tục thì vẫn gặp phải nhiều khó khăn và vướng mắc do chưa biết về những quy định này.

Việc tặng cho quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa bố mẹ với con cái, theo đó bên tặng cho giao quyền sử dụng đất cho bên được tặng cho mà không yêu cầu bền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận theo quy định của BLDS và pháp luật về đất đai.

iệc tặng cho quyền sử dụng đất của bố mẹ sang cho con phải lập thành hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất ( Nội dung hợp đồng do hai bên tự thỏa thuận) có công chứng chứng thực theo quy định của Pháp luật đất đai.

Bước 1: Lập hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất từ bố mẹ cho con 

– Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất từ bố mẹ cho con do hai bên tự thỏa thuận nhưng sẽ có một số nội dung cơ bản sau

+ Tên, địa chỉ của các bên;

+ Lý do tặng cho quyền sử dụng đất;

+ Quyền, nghĩa vụ của các bên;

+ Loại đất, hạng đất, diện tích, vị trí, số hiệu, ranh giới và tình trạng đất;

+ Thời hạn sử dụng đất còn lại của bên tặng cho

Thêm tên con vào sổ đỏ

Bước 2: Công chứng, chứng thực hợp đồng tặng cho tại UBND hoặc Văn phòng công chứng nơi có đất tặng cho

Căn cứ theo khoản 1 Điều 40 Luật Công chứng 2014, hồ sơ công chứng gồm các giấy tờ sau:

– Phiếu yêu cầu công chứng

– Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất

– Bản sao giấy tờ tùy thân:

+ Chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu của các bên.

+ Sổ hộ khẩu.

– Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

– Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng tặng cho:

+ Tùy tình trạng hôn nhân của người yêu cầu công chứng thì cung cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn; giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; quyết định ly hôn; văn bản cam kết về tình trạng hôn nhân hoặc tờ khai đăng ký kết hôn tại UBND cấp xã nơi đăng ký kết hôn.

+ Giấy tờ chứng minh nguồn gốc tài sản riêng: Di chúc, văn bản khai nhận, thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, hợp đồng tặng cho, văn bản cam kết về tài sản, văn bản thỏa thuận chia tài sản chung.

– Văn bản cam kết về đất được tặng cho là có thật

Bước 3: Thực hiện thủ tục sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ bố mẹ sang con tại Cơ quan đăng ký đất đai nơi có đất

Hồ sơ đăng kí sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi nhận tặng cho quyền sử dụng đất từ bố mẹ cho con

Sau khi có hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất đã được công chứng/chứng thực thì con nhận tặng cho quyền sử dụng đất từ bố mẹ có thể tiến hành thủ tục đăng ký sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đât đất, hồ sơ bao gồm:

– Đơn đăng kí biến động quyền sử dụng đất

– Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất

– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

– Giấy tờ khác, như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn/ giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.

Thẩm quyền

– Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Phòng Tài nguyên và môi trường thuộc quận, huyện, thị xã nơi có đất đề nghị sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Thời gian thực hiện

– Không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không quá 20 ngày với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Pháp luật nước ta đã quy định rõ ràng về sự phân chia quản lý các ngành và phân cấp quản lý đối với các địa phương, vậy nên đối với mỗi lĩnh vực và mỗi loại thủ tục hành chính khác nhau thì sẽ được những cơ quan quản lý khác nhau. Đối với lĩnh vực liên quan đến đất đai cũng vậy, pháp luật nước ta đã có quy định cụ thể như sau:

Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu

– UBND cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức, cơ sở tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao.

UBND cấp tỉnh được ủy quyền cho cơ quan tài nguyên và môi trường cùng cấp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

– UBND cấp huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.

Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi đã được cấp giấy chứng nhận mà người sử dụng đất thực hiện các quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận

– Đối với địa phương đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đã được cấp Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, trong các trường hợp sau:

+ Khi người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản thực hiện các quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất mà phải cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

+ Cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng.

– Đối với địa phương chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì việc cấp Giấy chứng nhận thực hiện như sau:

+ Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức, cơ sở tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; tổ chức, cá nhân nước ngoài; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;

+ Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.

Mời các bạn xem thêm bài viết

Thông tin liên hệ

Vấn đề “Thêm tên con vào sổ đỏ” đã được chúng tôi cung cấp qua thông tin bài viết trên. Luật đất đai luôn có sự hỗ trợ nhiệt tình từ các chuyên viên tư vấn pháp lý. Chúng tôi sẽ giải quyết hay cung cấp các dịch vụ về chi phí làm sổ đỏ đất khai hoang cho khách hàng, làm các một cách nhanh chóng, dễ dàng, thuận tiện.

Câu hỏi thường gặp

Người đứng tên trên sổ đỏ có quyền gì?

Theo đó, người đứng tên sổ đỏ sẽ được sẽ có các quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật như sau:
– Quyền sử dụng: Người có quyền sử dụng đất được sử dụng theo ý chí riêng của mình, nhưng phải đảm bảo không gây thiệt hại hoặc ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
– Quyền định đoạt: Người có quyền sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2013.
Tuy nhiên, cần lưu ý đối với trường hợp chỉ có một người đứng tên trên sổ đỏ nhưng quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng của nhiều người đất thì khi thực hiện quyền của người sử dụng đất phải có sự thỏa thuận của tất cả những người có quyền sử dụng đất chung.
Còn trường hợp, quyền sử dụng đất chỉ thuộc của một người đứng tên sổ đỏ thì người đứng tên sẽ hưởng đầy đủ các quyền nêu trên, người này có thể toàn quyền định đoạt đối với quyền sử dụng đất mà không cần thông qua ý kiến, sự đồng ý của bất kỳ ai.

Ai được đứng tên trên sổ đỏ?

Theo quy định tại Luật Đất đai 2013 thì người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất được cấp và được đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (hay thực tế được gọi là sổ đỏ) theo quy định.
Theo đó, nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho những trường hợp sau đây:
– Người đang sử dụng đất có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại các điều 100, 101 và 102 Luật Đất đai 2013;
– Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ sau ngày 01/7/2014;
– Người được chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, được thừa kế, nhận tặng cho quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; người nhận quyền sử dụng đất khi xử lý hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất để thu hồi nợ;
– Người được sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành đối với tranh chấp đất đai; theo bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án hoặc quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành;
– Người trúng đấu giá quyền sử dụng đất;
– Người sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế;
– Người mua nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất;
– Người được Nhà nước thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; người mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;
– Người sử dụng đất tách thửa, hợp thửa; nhóm người sử dụng đất hoặc các thành viên hộ gia đình, hai vợ chồng, tổ chức sử dụng đất chia tách, hợp nhất quyền sử dụng đất hiện có;
– Người sử dụng đất đề nghị cấp đổi hoặc cấp lại Giấy chứng nhận bị mất.

5/5 - (1 vote)